Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản: Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong các chính sách về biển với Việt Nam

Để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, góp phần củng cố quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước, ngày 05/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội, Đoàn công tác của phía Nhật Bản do Bộ trưởng Fukui Teru, Bộ trưởng chính sách đại dương Nhật Bản dẫn đầu  phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo về “Chính sách đại dương: Kinh nghiệm của Nhật Bản”, với sự

Toàn cảnh Hội thảo

Đoàn công tác Nhật Bản gồm nhiều chuyên gia, nhà quản lý giàu kinh nghiệm về xây dựng và triển khai chính sách biển, về khoa học và công nghệ biển, về rác thải nhựa đại dương, về phát triển cảng biển, kinh tế hàng hải. Mời tham dự Hội thảo, phía Việt Nam cũng có các chuyên gia, nhà quản lý, học giả đến từ các lĩnh vực tương ứng.

Trong bối cảnh toàn cầu và khu vực thay đổi nhanh chóng, thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành và địa phương của Việt Nam đã nhận được những sự hỗ trợ hiệu quả về xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách từ phía Nhật Bản. Công tác xây dựng thể chế chính sách, pháp luật được Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định là công tác quan trọng hàng đầu nhằm tạo hành lang pháp lý để tổ chức thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Hội thảo “Chính sách đại dương: Kinh nghiệm của Nhật Bản” nhằm chia sẻ các kinh nghiệm tổ chức nghiên cứu về biển và đại dương của Nhật Bản, về các quan điểm, định hướng chiến lược phát triển trong các lĩnh vực về biển, quản lý biển và đại dương; mô hình tổ chức quản lý tổng hợp, thống nhất về biển của Nhật Bản; kinh nghiệm trong việc lập và thực thi các chính sách, chiến lược về biển; thảo luận về cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực về biển, hải đảo; góp phần quan trọng giúp các nhà quản lý, chuyên gia củng cố năng lực, kinh nghiệm trong việc lập và thực thi các chính sách, chiến lược; tăng cường kiến thức nghiên cứu về biển và đại dương; hỗ trợ Việt Nam về phương tiện, trang bị phục vụ nghiên cứu, điều tra biển, xây dựng đội tàu nghiên cứu biển.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bày tỏ sự vui mừng và nhiệt liệt chào đón Ngài Fukui Teru, Bộ trưởng phụ trách Chính sách Đại dương Nhật Bản đồng chủ trì sự kiện quan trọng này, đánh dấu bước khởi đầu mới trong hợp tác giữa hai nước về quản lý tổng hợp biển; ngài Arata Takebe, Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản, Ngài Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; cùng các đại diện các Bộ, Ban, ngành, các chuyên gia, các nhà khoa học, các học giả của Việt Nam và Nhật Bản đã đến tham dự Hội thảo “Chính sách đại dương: Kinh nghiệm của Nhật Bản”.

Bộ trưởng nói: Từ ngàn đời nay biển đã gắn với quá trình sinh tồn và phát triển của hai dân tộc Nhật Bản và Việt Nam. Trong suốt quá trình đó, hai nước Việt Nam và Nhật Bản đều chú trọng bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, xây dựng tầm nhìn vươn xa ra biển để tận dụng được nguồn lực từ biển cho phát triển kinh tế - xã hội.

Để hiện thực hóa tầm nhìn đó, năm 2007 Việt Nam đã ban hành Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chiến lược biển. Cũng trong năm đó, Nhật Bản ban hành Luật cơ bản về chính sách đại dương và Kế hoạch hành động chính sách đại dương lần thứ nhất. Sau 05 năm, cả hai nước đều đã tiến hành sơ kết đánh giá Chiến lược, Chương trình, Kế hoạch hành động để ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động mới cho giai đoạn tiếp theo.

Hiện nay, hai nước Việt Nam-Nhật Bản tiếp tục tổng kết, đánh giá các chính sách, chiến lược này. Tại Việt Nam, nhằm đáp ứng được yêu cầu về phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong bối cảnh mới, Việt Nam đang tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Được biết, Nhật Bản đã tiến hành tổng kết, đánh giá Kế hoạch hành động lần thứ 2 và ban hành Kế hoạch hành động chính sách đại dương lần thứ 3 (tháng 5 năm 2018).

Bộ trưởng cũng cho biết, năm 2018 là năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản (1973 - 2018). Trong bối cảnh đó, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất trên mọi lĩnh vực của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản; đồng thời, nhiều hoạt động hợp tác được thúc đẩy, trong đó có bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Qua đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành và địa phương của Việt Nam đã nhận được những sự hỗ trợ hiệu quả từ phía Nhật Bản trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức triển khai thực hiện thể chế, chính sách.

 Thông qua Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn giữa các bên cùng nhau trao đổi, làm rõ những vấn đề sau:

Một là, nhận diện những cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế biển, bảo tồn và bảo vệ tài nguyên biển trong bối cảnh chúng ta phải giải quyết các thách thức do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và ô nhiễm rác thải đại dương.

Hai là, những bài học thành công và chưa thành công, trong quá trình quản lý không gian biển, vùng ven bờ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; từ đó xem xét đề xuất cơ chế trao đổi, chia sẻ tri thức về biển, các kinh nghiệm trong xây dựng và hoạch định chính sách về biển và đại dương thông qua các hội thảo, hội nghị thường niên.

Ba là, xác định rõ những cơ hội hợp tác chung trong thăm dò, nghiên cứu biển; xác lập cơ chế, đề xuất các dự án hợp tác chung, cũng như các dự án khu vực nhằm giải quyết các thách thức về môi trường biển, như rác thải đại dương…

Bộ trưởng phụ trách Chính sách Đại dương Nhật Bản, ngài Fukui Teru phát biểu khai mạc, chào mừng Hội thảo

Về phía Nhật Bản, trong bài phát biểu khai mạc, chào mừng Hội thảo của Bộ trưởng phụ trách Chính sách Đại dương Nhật Bản, ngài Fukui Teru cho biết, Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm trong các chính sách về biển với Việt Nam. Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Chính sách Đại dương Nhật Bản đã có nhiều hoạt động tăng cường sự hợp tác giữa các bên. Trong tháng 6/2018, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đã có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, qua chuyến thăm này, hai bên đã có những trao đổi thiết thực, hữu ích và cũng là bước khởi đầu cho cuộc hội thảo "Chính sách đại dương: Kinh nghiệm của Nhật Bản" ngày hôm nay. Phía Nhật Bản sẽ chia sẻ và giới thiệu những nỗ lực giải pháp cho Việt Nam, đây là cơ hội tốt thúc đẩy mối quan hệ giữa hai Bộ về những vấn đề quan tâm chung.

Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Arata Takebe phát biểu

Với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Arata Takebe, trong bài phát biểu của mình, ngài Arata Takebe nhấn mạnh: mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung và giữa hai Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam với Bộ Môi trường Nhật Bản nói riêng, và đặc biệt, kể từ năm 2013 giữa hai Bộ ký biên bản ghi nhớ hợp tác về lĩnh vực môi trường, theo đó hai bên đã có nhiều hoạt động hợp tác toàn diện và nhiều cuộc đối thoại chính sách về môi trường, các bên đã đưa ra được những giải pháp tối ưu về vấn đề môi trường.

Đối với các vấn đề về rác thải nhựa đại dương, Thứ trưởng Arata Takebe  cho biết, vào tháng 6/2018 luật xử lý rác thải trên biển cũng đã được Nhật Bản sửa đổi và lần đầu tiên các giải pháp về rác thải nhựa đã đưa vào luật và trên cơ sở sửa đổi luật sẽ thúc đẩy mạnh mẽ vấn đề xử lý rác thải nhựa đại dương và với mục tiêu sẽ đưa Nhật Bản là quốc gia hàng đầu thế giới về vấn đề xử lý rác thải nhựa đại dương. Trong phần tham luận của Nhật Bản tại hội thảo lần này, Bộ Môi trường Nhật Bản sẽ trình bày tham luận về những nỗ lực giải quyết rác thải đại dương của Nhật Bản. Thứ trưởng Arata Takebe cho rằng vấn đề rác thải đại dương đang trở thành vấn đề môi trường lớn đối với cộng đồng quốc tế và nguyên nhân chính do xử lý không đầy đủ về vấn đề rác thải nhựa từ đất liền cũng như không thực hiện nghiêm túc kinh nghiệm trong mô hình xử lý 3R (Reduce - Reuse – Recycle: Giảm thiểu - Tái sử dụng - Tái chế) về vấn đề rác thải.

 

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã trình bày tham luận tập trung vào hai nội dung chính: “Mười năm thực hiện Quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo - Thực trạng và định hướng” và tham luận “Sáng kiến của Việt Nam về quan hệ đối tác trong quản lý rác thải nhựa đại dương”, đây cũng là sáng kiến được Việt Nam đề xuất tại Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GF6) tổ chức cuối tháng 6 vừa qua tại Đà Nẵng.

Về tổng thể, các nội dung tham luận được hai bên trình bày tại Hội thảo liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và dự thảo chiến lược trong giai đoạn tiếp theo, trong đó bao gồm hai phiên: Phiên thứ nhất-Chính sách Đại Dương; Phiên thứ 2- Bảo vệ Môi trường trong phát triển kinh tế biển. Cùng với đó, các chuyên gia các nhà khoa học đã nêu rõ thực trạng, giải pháp cũng như những đề xuất, định hướng tăng cường công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trưởng biển, hải đảo.

Trong phần tham luận về Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo, các chuyên gia, các nhà khoa học cho rằng, do tài nguyên biển và hải đảo chủ yếu được quản lý theo ngành, lĩnh vực nên việc khai thác, sử dụng chưa dựa trên việc phân tích các chức năng của mỗi vùng biển một cách tổng thể; còn thiếu sự gắn kết, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên trên cùng một vùng biển; trong một số trường hợp, quản lý theo ngành, lĩnh vực với đặc điểm là tối đa hóa lợi ích của mỗi ngành, lĩnh vực mình mà không xem xét vấn đề khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo một cách tổng thể đã làm hạn chế sự phát triển chung, thiếu sự hài hòa lợi ích của các ngành, lĩnh vực; làm suy thoái nhiều loại tài nguyên, nhất là tài nguyên tái tạo; tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo có chiều hướng gia tăng; nhiều hệ sinh thái biển và hải đảo quan trọng đã bị tổn thương nghiêm trọng.

Chính vì vậy, trong xu hướng tiến ra biển của cả thế giới khi nguồn tài nguyên trong đất liền ngày càng cạn kiệt, để quản lý và phát huy lợi thế, tiềm năng của biển, tăng cường và tập trung được nhân lực và khoa học kỹ thuật để tiến sâu vào lòng đất dưới đáy biển và tiến xa ra biển, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đề ra các chủ trương, chính sách quan trọng. Điều đó đặc biệt được thể hiện tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa X ngày 09/02/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã khẳng định cần phải nghiên cứu, đề xuất cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp, quản lý thống nhất về biển; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển một cách đầy đủ làm cơ sở cho việc xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển, đảo.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Vũ Trường Sơn  tham luận tại Hội thảo

Nhân dịp này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chân thành cảm ơn Chính phủ và nhân dân Nhật Bản về những sự hỗ trợ quý báu dành cho Bộ Tài nguyên và Môi trường; cảm ơn ngài Bộ trưởng Fukui Teru, ngài Thứ trưởng Arata Takebe, ngài Đại sứ Umeda Kunio đã luôn dành những tình cảm tốt đẹp và dày công vun đắp cho quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước; các nhà quản lý, các chuyên gia, học giả của Nhật Bản đã tham dự Hội thảo và mang đến cho Việt Nam những kinh nghiệm quý báu. Bộ trưởng cũng bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình chuẩn bị cho sự kiện quan trọng hôm nay và hỗ trợ để Hội thảo “Chính sách đại dương: Kinh nghiệm Nhật Bản” được thực hiện và thành công tốt đẹp.

Bộ trưởng trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tiếp thu đầy đủ những ý kiến chia sẻ, đóng góp tâm huyết của các đại biểu tại Hội thảo này; đây là những tri thức quý báu để chúng ta hoàn thiện Chiến lược Biển trong giai đoạn tới.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Fukui Teru chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu

Có thể nói quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam-Nhật Bản đang trên đà phát triển, Nhật Bản đã luôn dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho Việt Nam và có những đóng góp tích cực trong quan hệ đối ngoại giữa hai nước. Với nhiều báo cáo tham luận mà cả hai bên Việt Nam và Nhật Bản cùng trình bày, thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo, hai nước không những sẽ thu được nhiều bài học, kinh nghiệm quý giá mà còn mở ra những cơ hội hợp tác lâu dài trong triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, chiến lược biển mỗi nước, trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương và trên nhiều lĩnh vực khác.

Hội thảo đã góp phần quan trọng khẳng định quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản ngày càng chặt chẽ, phát triển mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng trên mọi lĩnh vực vì hòa bình, thịnh vượng ở Châu Á cũng như giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đồng thời, sự quan tâm, chia sẻ và đồng hành của các chuyên gia, nhà quản lý và các nhà khoa học trong cả nước nhằm mục tiêu xây dựng, phát triển ngành quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo nói riêng và công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung. Thông qua Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà bảy tỏ mong muốn rằng Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý, chia sẻ kinh nghiệm của các bạn Nhật Bản đối với việc xây dựng Chiến lược biển Việt Nam giai đoạn tới./.

Thu Loan

(Theo vasi.gov.vn)

  • 10/23/2020 2:59:34 AM